Đề cương ôn thi HKII Sinh 10

Nội dung ôn thi HKII khối 10, cơ bản.

I.PHẦN LÍ THUYẾT:

Câu 1. Khái niệm hô hấp. Viết phương trình tổng quát. Nêu các đặc điểm của quá trình hô hấp.

Trả lời:

** Hô hấp là quá trình phân giải cacbohiđrat thành CO2 và H2O, đồng thời giải phóng năng lượng dưới dạng dễ sử dụng là ATP.

** Phương trình tổng quát:

C6H12O6 + 6CO2 → 6CO2 + 6H2O + năng lượng (ATP + nhiệt)

** Các đặc điểm của quá trình hô hấp:

– Là một chuỗi các phản ứng oxi hóa – khử.

– Năng lượng của quá trình được giải phóng từ từ qua nhiều giai đoạn.

– Tốc độ của quá trình tùy thuộc vào nhu cầu năng lượng của tế bào.

Câu 2. Trình bày địa điểm, nguyên liệu và sản phẩm của các giai đoạn trong quá trình hô hấp. Kết thúc quá trình hô hấp, tế bào thu được bao nhiêu phân tử ATP từ một phân tử glucôzơ?

Trả lời:

** Các giai đoạn của quá trình hô hấp:

– Đường phân:

+ Địa điểm: bào tương.

+ Nguyên liệu: glucôzơ (đường 6C).

+ Sản phẩm: 2 phân tử axit piruvic, 2 phân tử ATP, 2 phân tử NADH.

– Chu trình Crep:

+ Địa điểm: chất nền ti thể

+ Nguyên liệu: 2 phân tử axit piruvic.

+ Sản phẩm: 6 phân tử CO2, 8 phân tử NADH, 2 phân tử FADH2, 2 phân tử ATP

– Chuỗi chuyền electron hô hấp:

+ Địa điểm: màng trong ti thể.

+ Nguyên liệu: NADH và FADH2.

+ Sản phẩm: các phân tử ATP.

** Kết thúc quá trình hô hấp, từ một phân tử glucôzơ, tế bào thu được:

– 38 phân tử ATP ở sinh vật nhân sơ.

– 36 phân tử ATP ở sinh vật nhân thực.

Câu 3. Khái niệm quang hợp. Viết phương trình tổng quát.

Trả lời:

** Quang hợp là quá trình sử dụng năng lượng ánh sáng để tổng hợp các chất hữu cơ từ các các nguyên liệu vô cơ

** Pt tổng quát:

CO2 + H2O + năng lượng ánh sáng → (CH2O) + O­2

Câu 4. Bào quan nào thực hiện quá trình quang hợp? Pha sáng và pha tối diễn ra ở vị trí nào trong bào quan này?

Trả lời:

– Lục lạp là bào quan quang hợp.

– Pha sáng diễn ra trên màng tilacôit. Pha tối diễn ra ở chất nền (strôma).

Câu 5. Trình bày bản chất, diễn biến chính của pha sáng trong quang hợp. O2 được tạo ra có nguồn gốc từ đâu? Viết phương trình pha sáng quang hợp.

Trả lời:

** Bản chất của pha sáng trong quang hợp: hấp thu năng lượng ánh sáng và chuyển thành dạng năng lượng trong các liên kết hóa học của ATP và NADPH.

** Diễn biến chính:

– Các sắc tố quang hợp hấp thu năng lượng ánh sáng.

– Năng lượng hấp thu được chuyển vào một loạt các phản ứng ôxi hóa – khử của chuỗi chuyền electron quang hợp, tổng hợp ATP và NADPH.

** O2 được tạo ra có nguồn gốc từ phân tử H2O.

Sắc tố quang hợp

** Pt tổng quát:

Năng lượng ánh sáng +  H2O + NADP+ + ADP + Pi                                                 NADPH + ATP + O2

Câu 6. Pha tối quang hợp thực hiện phản ứng hóa học gì? Nguyên liệu và sản phẩm của chu trình Canvin. Vì sao chu trình Canvin được gọi là chu trình C3? Sản phẩm chủ yếu của pha tối là gì?

Trả lời:

** Pha tối quang hợp (còn gọi là quá trình cố định CO2) thực hiện phản ứng khử CO2 thành cacbohiđrat.

** Chu trình Canvin:

– Nguyên liệu: CO2, ATP và NADPH

– Sản phẩm: cacbohiđrat.

** Vì sản phẩm ổn định đầu tiên của chu trình là hợp chất có 3 cacbon.

** Sản phẩm chủ yếu của pha tối là cacbohiđrat, từ đó sẽ hình thành nhiều hợp chất khác nhau.

Câu 7. Thế nào là chu kì tế bào? Chu kì tế bào gồm những giai đoạn nào? Trình bày các pha của kì trung gian.

Trả lời:

** Chu kì tế bào là khoảng thời gian giữa hai lần phân bào liên tiếp.

** Chu kì tế bào gồm 2 giai đoạn: kì trung gian và quá trình nguyên phân.

** Kì trung gian gồm 3 pha:

– Pha G1: TB tổng hợp các chất cần cho sự sinh trưởng.

– Pha S: nhân đôi ADN tạo các NST kép, chuẩn bị cho quá trình phân bào.

– Pha G2: TB tổng hợp tất cả những vật chất cần cho quá trình phân bào.

Câu 8. Trình bày những diễn biến chính của quá trình nguyên phân, giảm phân ở sinh vật nhân thực.

Trả lời:

{Học trong phần ôn thi giữa kì}

Câu 9. Ý nghĩa của quá trình nguyên phân, giảm phân.

Trả lời:

{Học trong phần ôn thi giữa kì}

Câu 10. Thế nào là VSV? Những nhóm sinh vật nào được xếp là VSV?

Trả lời:

** VSV là những sinh vật có kích thước nhỏ, chỉ nhìn rõ dưới kính hiển vi.

** VSV gồm: virut, vi khuẩn, nấm, động vật nguyên sinh, tảo

Câu 11. Đặc điểm chung của VSV?

Trả lời

** Đặc điểm chung:

– Có kích thước nhỏ bé

– Hấp thụ và chuyển hóa chất dinh dưỡng nhanh

– Sinh trưởng và sinh sản rất nhanh

– Phân bố rộng

Câu 12. Dựa vào nhu cầu về nguồn năng lượng và nguồn cacbon, có những kiểu dinh dưỡng nào ở VSV? Cho biết một số nhóm sinh vật thuộc mỗi kiểu dinh dưỡng.

Trả lời:

{Học ở bảng trong tập}

Câu 13. Thế nào là hô hấp, lên men, hô hấp hiếu khí, hô hấp kị khí?

Trả lời:

** Hô hấp là hình thức hóa dị dưỡng các hợp chất cacbohiđrat.

– Hô hấp hiếu khí là quá trình hô hấp mà chất nhận điện tử cuối cùng là O2.

– Hô hấp kị khí là quá trình hô hấp mà chất nhận điện tử cuối cùng là chất vô cơ, không phải O2.

** Lên men là hình thức hóa dị dưỡng các hợp chất hữu cơ (là hoặc không là cacbohiđrat), mà chất nhận điện tử cuối cùng là chất hữu cơ.

Câu 14. Cho biết nguyên liệu, enzim và sản phẩm của quá trình phân giải prôtêin ở VSV. Khi môi trường thiếu C, thừa N, VSV sẽ phân giải prôtêin như thế nào? Nêu các ứng dụng.

Trả lời:

** Phân giải prôtêin ở VSV:

– Nguyên liệu: prôtêin.

– Enzim: prôtêaza.

– Sản phẩm: các axit amin.

** Khi môi trường thiếu C, thừa N, VSV sẽ khử amin của axit amin, sử dụng axit hữu cơ, làm giải phóng amôniac.

** Ứng dụng: làm nước mắm, các loại nước chấm …

Câu 15. Cho biết nguyên liệu, sản phẩm và các con đường phân giải pôlisaccarit ở VSV. Ứng dụng.

Trả lời:

** Phân giải polisaccarit ở VSV:

– Nguyên liệu: Tinh bột, glucôzơ, xenlulôzơ, các loại đường.

– Sản phẩm:

+ Con đường lên men êtilic: Êtanol (rượu êtylic) (nhờ nấm sợi và nấm men rượu)

+ Con đường lên men lactic: axit lactic (vi khuẩn lactic đồng hình) hoặc hỗn hợp axit lactic và các chất khác (vi khuẩn lactic dị hình)

** Ứng dụng: trong công nghiệp thực phẩm để sản xuất bánh kẹo, nước giải khát, bia rượu …

Câu 16. Cho biết enzim VSV dùng phân giải xenlulôzơ. Ứng dụng.

Trả lời:

** Xenlulaza.

** Ứng dụng: phân giải nhanh các xác thực vật.

Câu 17. Khái niệm sinh trưởng của VSV. Thế nào là thời gian thế hệ?

Trả lời:

** Sự sinh trưởng của quần thể VSV là sự tăng số lượng tế bào của quần thể.

** Thời gian thế hệ là thời gian từ khi sinh ra một tế bào cho đến khi tế bào đó phân chia hoặc số tế bào trong quần thể tăng gấp đôi.

Câu 18. Khái niệm nuôi cấy liên tục và nuôi cấy không liên tục. Nêu đặc điểm về số lượng tế bào, thành phần môi trường và tốc độ sinh trưởng của quần thể ở các pha sinh trưởng trong nuôi cấy không liên tục.

Trả lời:

** Nuôi cấy không liên tục là quá trình nuôi cấy không bổ sung chất dinh dưỡng vào môi trường nuôi cấy và không lấy đi các sản phẩm chuyển hóa vật chất.

Nuôi cấy liên tục là quá trình nuôi cấy liên tục bổ sung chất dinh dưỡng vào môi trường nuôi cấy và lấy đi các sản phẩm chuyển hóa vật chất.

** Đặc điểm các pha trong nuôi cấy không liên tục:

– Pha tiềm phát (pha lag):

+ Số lượng tế bào: không tăng

+ Thành phần môi trường: hình thành enzim cảm ứng để phân giải cơ chất

+ Tốc độ sinh trưởng: gần như bằng 0

– Pha lũy thừa (pha log):

+ Số lượng tế bào: tăng nhanh theo cấp lũy thừa.

+ Thành phần môi trường: enzim được hình thành rất nhiều, chất độc hại không đáng kể

+ Tốc độ sinh trưởng: nhanh nhất và không đổi

– Pha lũy thừa:

+ Số lượng tế bào: không tăng và đạt cực đại

+ Thành phần môi trường: chất độc bắt đầu tích lũy đáng kể

+ Tốc độ sinh trưởng: giảm, gần như bằng 0

– Pha suy vong:

+ Số lượng tế bào: giảm dần

+ Thành phần môi trường: chất dinh dưỡng cạn kiệt, tích lũy nhiều chất độc hại

+ Tốc độ sinh trưởng: bằng 0, vì quần thể không sinh trưởng.

Câu 19. Trong nuôi cấy không liên tục, người ta loại bỏ pha nào? Ứng dụng của quá trình nuôi cấy liên tục.

Trả lời:

** Pha suy vong. Cố gắng rút ngắn pha cân bằng.

** Ứng dụng:

– Sản xuất sinh khối để thu nhận prôtêin đơn bào

– Sản xuất các chất có hoạt tính sinh học: axit amin, enzim, kháng sinh, hoocmôn v.v…

Câu 20. Một quần thể vi khuẩn E.coli có 1000 tế bào. Sau một thời gian nuôi cấy, người ta đếm được 32000 tế bào. Hỏi quần thể này đã trải qua bao nhiêu lần phân chia?

Trả lời:

** Số tế bào ban đầu trong quần thể: N0 = 1000.

Số tế bào sau k lần phân chia: Nk = 32000.

→ Từ công thức: Nk = N0.2k suy  ra: 2k =   =  = 32 = 25 → k = 5

Câu 21. Nêu các hình thức sinh sản ở VSV. Nội bào tử có phải là hình thức sinh sản hay không? Tại sao?

Trả lời:

** VSV có các hình thức sinh sản: phân đôi, nảy chồi và tạo thành bào tử.

** Nội bào tử không phải là hình thức sinh sản mà chỉ là dạng nghỉ của tế bào khi gặp điều kiện bất lợi.

Câu 22. Thế nào là nhân tố sinh trưởng, VSV nguyên dưỡng, khuyết dưỡng?

Trả lời:

** Nhân tố sinh trưởng là những chất hữu cơ với hàm lượng rất ít nhưng cần thiết cho sự sinh trưởng của VSV mà chúng không thể tự tổng hợp từ các chất vô cơ.

VSV khuyết dưỡng là những VSV không tự tổng hợp được các nhân tố sinh trưởng.

VSV nguyên dưỡng là những VSV tự tổng hợp được các nhân tố sinh trưởng.

Câu 23. Nêu các chất ức chế sự sinh trưởng của VSV và tác động sinh học chúng.

Trả lời:

{Học bảng trong SGK/106, tập trung học phenol, cồn, clo, các chất kháng sinh}

Câu 24. Nêu các yếu tố vật lí tác động đến sự sinh trưởng của VSV. Cho biết tác động của các yếu tố này đến sự sinh trưởng của VSV, và sự phân loại các nhóm VSV tương ứng với mỗi yếu tố.

Trả lời:

** Các yếu tố vật lí tác động đến sự sinh trưởng của VSV: nhiệt độ, độ ẩm, pH (độ chua, độ axit), ánh sáng, áp suất thẩm thấu.

** Tác động và sự phân loại các nhóm VSV:

– Nhiệt độ: ảnh hưởng lớn đến tốc độ của các phản ứng sinh hóa trong tế bào, do đó ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng của VSV. Gồm 4 nhóm: ưa lạnh, ưa ấm, ưa nhiệt, ưa siêu nhiệt.

– Độ ẩm: H2O là dung môi hòa tan các chất, tham gia vào các quá trình thủy phân các chất. Yêu cầu độ ẩm của các nhóm VSV: vi khuẩn > nấm men > nấm sợi.

– pH: ảnh hưởng đến tính thấm qua màng, hoạt động chuyển hóa vật chất trong TB, hoạt tính enzim, sự hình thành ATP … Gồm 3 nhóm chính: ưa axit, ưa kiềm, ưa trung tính.

– Ánh sáng: tác động đến quá trình quang hợp, sự hình thành bào tử sinh sản, tổng hợp sắc tố, chuyển động hướng sáng …

– Áp suất thẩm thấu: gây co nguyên sinh khi TB nằm trong môi trường ưu trương, làm cho TB không thể phân chia.

Câu 25. Thế nào là virut? Trình bày các thành phần cấu tạo chủ yếu của virut.

Trả lời:

** Virut là thực thể chưa có cấu tạo tế bào, có kích thước siêu nhỏ, được tính bằng nanômet.

** Các thành phần cấu tạo của virut:

– Lõi: là hệ gen của virut, có thể là ADN hoặc ARN, ở dạng chuỗi đơn hay chuỗi kép.

– Vỏ capsit: cấu tạo bởi các đơn vị prôtêin là capsôme. Phức hợp gồm lõi và vỏ capsit được gọi chung là nuclêôcapsit.

– Vỏ ngoài: có ở một số virut, được cấu tạo gồm lớp lipit kép và prôtêin. Trên mặt vỏ ngoài có các gai glicôprôtêin làm có tính năng kháng nguyên và giúp virut bám lên bề mặt tế bào chủ. Virut không có lớp vỏ ngoài gọi là virut trần.

Câu 26. Nêu các dạng cấu trúc của virut.

Trả lời:

** Có 3 dạng cấu trúc phổ biến ở virut: xoắn, khối và hỗn hợp.

Câu 27. Trình bày sự nhân lên của virut trong tế bào chủ.

Trả lời:

** Sự nhân lên của virut trong tế bào chủ: gồm 5 giai đoạn

– Hấp phụ: lớp vỏ hay gai glicôprôtêin của virut đặc hiệu với thụ thể trên bề mặt TB, giúp virut bám lên bề mặt TB chủ.

– Xâm nhập:

+ Ở phagơ: tiết enzim lizôzim phá hủy thành tế bào để bơm axit nuclêic vào TB chất, để lại vỏ bên ngoài.

+ Ở virut động vật: đưa cả phức hợp nuclêôcapsit vào TB chất, sau đó loại bỏ vỏ để giải phóng axit nuclêic.

– Sinh tổng hợp: virut sử dụng enzim và nguyên liệu nội bào của TB chủ để tổng hợp axit nuclêic và vỏ prôtêin. Một số virut có enzim riêng tham gia vào quá trình nay.

– Lắp ráp: Lõi + Vỏ → virut hoàn chỉnh

– Phóng thích: virut phà vỡ TB để ồ ạt chui ra ngoài.

Chu trình này làm tan TB nên được gọi là chu trình tan.

Câu 28. Thế nào là HIV? Nêu các con đường lây truyền HIV và các giai đoạn phát triển của bệnh AIDS.

Trả lời:

** HIV là virut gây suy giảm miễn dịch ở người, gây nhiễm và phá hủy một số tế bào của hệ thống miễn dịch.

** Các con đường lây truyền: đường máu, đường tình dục và đường mẹ truyền sang con

** Các giai đoạn phát triển của bệnh: Sơ nhiễm, không triệu chứng, biểu hiện triệu chứng AIDS.

Câu 29. Cho biết con đường lây lan của virut kí sinh ở thực vật và virut kí sinh ở côn trùng.

Trả lời:

** Ở virut kí sinh thực vật: cây bệnh → côn trùng, vết xây xát → cây lành

** Ở virut kí sinh côn trùng: vật chủ → ổ chứa (dạng trần hay dạng thể bọc) → xâm nhập vào cơ thể, lan truyền theo đường máu và bạch huyết đi khắp cơ thể

Câu 30. Intefêron là gì? Nêu sơ đồ qui trình sản xuất intefêron bằng kĩ thuật di truyền.

Trả lời:

** Intefêron là prôtêin đăc biệt do nhiều loại tế bào tiết ra, có khả năng chống virut, chống tế bào ung thư và có khả năng miễn dịch.

** Sơ đồ qui trình sản xuất intefêron (IFN) bằng kĩ thuật di truyền:

TB người mang IFN → tách gen IFN nhờ enzim cắt → gắn gen IFN vào ADN của phagơ → nhiễm ADN tái tổ hợp vào E.coli → nuôi E.coli nhiễm phagơ tái tổ hợp trong nồi lên men, tách chiết IFN.

Câu 31. Cho biết những ưu điểm của thuốc trừ sâu từ virut.

Trả lời:

** Uu điểm:

– Có tính đặc hiệu cao, không gây độc cho người và động vật có ích.

– Virut được bọc trong thể bọc, tránh được các yếu tố môi trường bất lợi nên có thể tồn tại rất lâu ngoài cơ thể côn trùng gây hại.

– Dễ sản xuất, hiệu quả cao, giá thành hạ.

Câu 32. Thế nào là bệnh truyền nhiễm? Điều kiện để một tác nhân gây được bệnh truyền nhiễm?

Trả lời:

** Bệnh truyền nhiễm là bệnh lây lan từ cá thể này sang cá thể khác.

** Điều kiện: tác nhân gây bệnh phải

+ có đủ độc lực

+ có số lượng nhiễm đủ lớn

+ xâm nhập bằng con đường thích hợp

Câu 33. Nêu các con đường lây truyền của VSV trong sự lây lan bệnh truyền nhiễm.

Trả lời:

** Có 2 phương thức lây truyền chủ yếu:

– Truyền ngang: qua sol khí, qua đường tiêu hóa, qua tiếp xúc trực tiếp, qua vết thương, quan hệ tình dục, đồ dùng hàng ngày …

– Truyền dọc: từ mẹ sang thai nhi qua nhau thai, nhiễm khi sinh hoặc qua sữa mẹ.

Câu 34. Thế nào là miễn dịch, miễn dịch không đặc hiệu, miễn dịch đặc hiệu, miễn dịch thể dịch, miễn dịch tế bào?

Trả lời:

** Miễn dịch là khả năng của cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.

Miễn dịch không đặc hiệu là những miễn dịch tự nhiên mang tính bẩm sinh, không đòi hỏi phải có sự tiếp xúc trước với kháng nguyên.

Miễn dịch đặc hiệu là những miễn dịch xảy ra khi có kháng nguyên xâm nhập.

Miễn dịch thể dịch là loại miễn dịch đặc hiệu sản xuất ra kháng thể nằm trong thể dịch.

Miễn dịch tế bào là loại miễn dịch đặc hiệu có sự tham gia của các tế bào T độc.

Câu 35. Thế nào là kháng nguyên, kháng thể? Đặc điểm tương tác giữa kháng nguyên và kháng thể?

Trả lời:

** Kháng nguyên là chất lạ, thường là prôtêin, có khả năng kích thích cơ thể tạo ra đáp ứng miễn miễn dịch.

Kháng thể là prôtêin được cơ thể sản xuất ra để đáp lại sự xâm nhập của kháng nguyên lạ.

** Đặc điểm tương tác: kháng nguyên phản ứng đặc hiệu với kháng thể.

(Chúc các em ôn tập và thi tốt.)


Tác giả: Trần Ngô Định Công

- Giáo viên Sinh học. - congnuong (và số).

Bình luận về bài viết này